Theo tiến sĩ Nguyễn Phụ Hoàng Lân, không ít học sinh sợ học toán do nhìn nhận chưa đúng về môn toán, chưa có động cơ học tập và phương pháp học phù hợp.
Thầy Lân cho biết, trong nhiều năm quan sát, giảng dạy trực tiếp nhiều cấp học, thầy có dịp tiếp xúc với không ít trường hợp học sinh học toán chưa đúng cách.
“Điều này biểu hiện ở cách nhìn nhận về môn toán, động cơ học tập và phương pháp học của các em. Nhiều học sinh ở các cấp học khác nhau tiếp cận toán trong trạng thái bị động, coi toán là môn học áp dụng công thức để ra đáp số, lầm tưởng rằng giải được nhiều bài tập khó đồng nghĩa với giỏi toán”, thầy nói.
Do đó, các em thường học theo trình tự nhớ công thức, nghe thầy cô hướng dẫn cách làm các dạng bài tập, áp dụng theo cách của thầy cô. Ra đáp số thường là bước cuối cùng trong việc học toán của các em.
Theo tiến sĩ, học sinh thường không hiểu bản chất bài toán và không kiểm tra tính hợp lý của đáp số (đối với những bài toán thực tế). Nhiều học sinh học toán để thi, để vượt qua các bài kiểm tra tại trường.
Giải toán theo công thức khiến học sinh dễ hình thành tư duy rập khuôn, gặp khó khăn khi đối mặt với những dạng bài tập mới, không có khả năng ứng dụng toán trong tình huống thực tế.
Tâm lý chạy theo điểm số khiến các em bỏ quên những mục tiêu phù hợp với bản thân khi học toán và xa rời mục đích thực sự của toán, là rèn luyện và phát triển tư duy.
“Đó chính là lý do nhiều học sinh sợ toán, cảm thấy toán là môn học khó”, tiến sĩ Nguyễn Phụ Hoàng Lân nhận định. Theo ông, để gạt bỏ nỗi sợ môn toán, học sinh cần được định hướng đúng đắn về nội dung học và phương pháp học.
Cụ thể, học toán cần gắn liền với việc rèn luyện thói quen tư duy; các bài toán cần được nhúng trong một vấn đề thực tế, một bối cảnh thực tế, gần gũi với học sinh. “Học trò cần nắm được các bước tư duy để giải một bài toán thay vì chỉ nắm công thức”, thầy Lân nói.
Tiến sĩ Nguyễn Phụ Hoàng Lân cho biết học trò cần rèn luyện thói quen tư duy trong quá trình học toán, từ đó hiểu vấn đề được đặt ra và dần hình thành khả năng giải quyết vấn đề liên quan tới toán học.
“Tôi mong muốn đồng hành cùng học sinh để các em bước vào giờ học với niềm vui, sự hứng thú và rời lớp học với khả năng ứng dụng toán trong những tình huống thực tế của cuộc sống”, thầy Lân bày tỏ.
Với mong muốn đó, thầy Lân gửi gắm tâm huyết vào việc nghiên cứu phương pháp đào tạo và trực tiếp giảng dạy cho trẻ tại hệ thống đào tạo toán tư duy Dino Math.
Nội dung cốt lõi trong chương trình học tại đây là những bài toán có tính thực tế, giúp học sinh liên hệ với cuộc sống, nhìn nhận đúng về tính ứng dụng của toán học, sau đó áp dụng kiến thức và kỹ năng toán học để giải quyết vấn đề.
Đặc biệt, phương pháp đào tạo PIA giúp trẻ phát triển tư duy, xa rời lối học rập khuôn theo công thức, thêm hứng thú trong học tập. PIA hội tụ 3 yếu tố chủ chốt: Problem-solving (tính giải quyết vấn đề), Inspiration (tính truyền cảm hứng) và Application (tính ứng dụng).
Về tính giải quyết vấn đề, học trò được hướng dẫn áp dụng bộ khung toán học của SEA-PLM (Southeast Asia Primary Learning Metrics) và PISA (Programme for International Student Assessment) trong giải toán, gồm các bước: Công thức hóa, tính toán, diễn giải và đánh giá.
Bên cạnh đó, trợ thủ đắc lực của các em là bộ 6 thói quen tư duy: Thu thập và biểu diễn thông tin, mày mò, thử nghiệm, hình ảnh hóa, phỏng đoán, tìm quy luật. Đây là vừa công cụ vừa là mục tiêu của học trò trong việc học toán.
Tính ứng dụng của phương pháp thể hiện ở việc gắn toán học với thực tế. “Học trò sẽ học 10 mạch kiến thức toán học chủ đạo và được hướng dẫn ứng dụng kiến thức này trong tình huống thực tế của cuộc sống”, thầy Lân chia sẻ. Mười mạch kiến thức bao gồm: So sánh, số, đo lường, thời gian, tài chính, hình học, góc, phương hướng, xử lí dữ liệu, xác suất.
Tại lớp học Dino Math, trẻ được truyền cảm hứng về toán học thông qua hoạt động học tập đa dạng, phù hợp với lứa tuổi. Bên cạnh việc học bài mới, học viên được tham gia các dự án học tập giúp rèn luyện đồng đều tư duy, kiến thức, kỹ năng.
Hệ thống đào tạo toán tư duy cho trẻ Dino Math được sáng lập bởi tiến sĩ Nguyễn Phụ Hoàng Lân và bà Nguyễn Thị Hoa, chủ tịch Hội đồng quản trị IMAP Việt Nam, nhà sáng lập Anh ngữ Ms Hoa. Dino Math nằm trong hệ sinh thái IMAP Việt Nam, đơn vị sở hữu hệ thống Anh ngữ Ms Hoa và IELS Fighter với 11 năm hoạt động trong lĩnh vực giáo dục.
Dino Math hoạt động theo phương châm giảng dạy “Học đúng, học trúng, học nhẹ nhàng”, hướng tới trẻ trong độ tuổi tiền tiểu học, tiểu học và trung học cơ sở.
Bên cạnh hoạt động giảng dạy, trung tâm chú trọng xây dựng cộng đồng ba mẹ hoạt động sôi nổi và thường xuyên tổ chức hội thảo, workshop với sự chủ trì của thầy Nguyễn Phụ Hoàng Lân và bà Nguyễn Thị Hoa nhằm chia sẻ phương pháp và kinh nghiệm đồng hành cùng con học toán đúng cách, hiệu quả.
Tiến sĩ Nguyễn Phụ Hoàng Lân tốt nghiệp Tiến sĩ Toán học tại Đại học Purdue, West Lafayette, Indiana, Mỹ; hiện đang công tác tại Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội.
Ông có nhiều năm kinh nghiệm giảng dạy toán tại Mỹ; xây dựng chương trình và giảng dạy toán tại Việt Nam ở nhiều bậc học khác nhau, cho các đối tượng học sinh khác nhau.
Theo Báo Pháp luật Việt Nam